ads

Slider[Style1]

Style2

Style3[OneLeft]

Style3[OneRight]

Style4

Style5

Không chỉ có suất ăn bán trú, sách giáo khoa, bảo hiểm... một dịch vụ khác cũng hàng tháng "rút ruột ví" của phụ huynh học sinh, đó là các lớp học kỹ năng sống, lớp năng khiếu tại các trường học.

Bên cạnh đó, sau khi đăng tải loạt bài này, bản báo đã nhận được nhiều thông tin phản ánh của độc giả cũng như phản hồi của các bên liên quan. Điều đáng suy ngẫm là, vẫn còn đó những câu hỏi "đắng lòng" cho những hoài nghi đầy trăn trở...

Đào tạo kỹ năng mềm, thu tiền cứng


Những khóa học nâng cao kỹ năng sống đang trở thành "mốt" của không ít phụ huynh học sinh. Nắm bắt được nhu cầu này, hàng loạt trung tâm đào tạo kỹ năng ra đời, nhằm mục đích cung cấp vốn kiến thức sâu rộng của xã hội đến với trẻ nhỏ.

Khảo sát của PV tại một số trường ở TP.HCM cho thấy, dịch vụ đào tạo kỹ năng hay các lớp năng khiếu được rất nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố lựa chọn như: Trường tiểu học N.T.H., tiểu học N.H (quận 10); Trường tiểu học quốc tế B.M, tiểu học N.B., (quận Phú Nhuận)...

Nhiều phụ huynh có con em học tại những trường này cho rằng, họ chấp nhận đóng thêm tiền để con họ được học các lớp kỹ năng sống, nó phù hợp và giúp ích cho con của họ. Tuy nhiên, phụ huynh học sinh cũng đang nghi ngờ về việc nhu cầu của học sinh đang bị lợi dụng. Thay vì hợp tác với các đơn vị uy tín, nhà trường lại đang ký hợp đồng đào tạo kỹ năng với đơn vị chung chi cao nhất.

Đừng biến nhu cầu học sinh thành mục đích "kiếm chác" của lãnh đạo nhà trường. (ảnh minh họa).
Theo tiết lộ của một nhân viên trung tâm đào tạo kỹ năng mềm tại các trường THCS, THPT trên địa bàn TP, thì có rất nhiều bất cập trong dịch vụ này. Theo đó, không phải đơn thuần mà nhiều trung tâm cùng hoạt động trên địa bàn thành phố lại chỉ có một vài trung tâm có được hợp đồng béo bở ở trường học. Khi trung tâm đào tạo kỹ năng sống muốn được đào tạo trong trường học, cần phải có bản hợp đồng đào tạo ký kết với đại diện trường học. Những trung tâm có mức chiết khấu cao luôn nằm trong diện ưu tiên, nhà trường lựa chọn ký hợp đồng.

Một số trung tâm có tên tuổi trên thị trường, mức phí để các học sinh theo học khá cao. Một trong số đó, là học viện Ngôn ngữ T.K. (quận 5, TP.HCM). Theo ghi nhận của PV, mặc dù chỉ là đào tạo ngay tại trung tâm cho các trẻ từ độ tuổi 7 đến 13 tuổi, với khóa học 16 tiết/8 buổi/8 tuần nhưng học phí mà mỗi phụ huynh một học sinh phải đóng lên tới 2.000.000 đồng/khóa. Được biết, nếu trung tâm mở dạy trong trường thì học phí tăng ít nhất từ 100.000 đến 200.000 đồng/học sinh/khóa so với học ở ngay trung tâm. Đây được gọi là chi phí phát sinh khi trung tâm ký kết với trường học. Vậy, khoản chi phí chênh lệch này vào túi ai? Ai là những người phải chi phần học phí chênh lệch ấy?

Câu hỏi lớn về tự nguyện hay "ép" tự nguyện?


Sau khi đăng tải nội dung này, toà soạn nhận được nhiều thông tin phản ánh của độc giả (bản báo sẽ tìm hiểu và tiếp tục thông tin). Bên cạnh đó, sau khi báo đăng tải theo thông tin mà phụ huynh trường tiểu học B thị trấn Văn Điển, Thanh Trì cung cấp, chúng tôi được biết, từ sau khi bài báo phản ánh công tác dạy và học ở trường này, thì việc dạy thêm và học thêm ở trường này đã tạm ngừng trong hai tuần vừa qua và giáo viên chủ nhiệm thông báo: "Khi nào cô thông báo, thì sẽ học thêm trở lại !?".

Không chỉ có vậy, vào 11/10/2014, nhà trường đã thông báo với phụ huynh học sinh việc thu tiền trông học sinh ngoài giờ, theo đó, các cô giáo chủ nhiệm yêu cầu phụ huynh học sinh phải viết đơn tự nguyện đề nghị nhà trường trông học sinh thêm giờ, từ 4h30 đến 5h và mỗi tháng thu 100.000 đồng. Chị Trần Thị Y.- phụ huynh học sinh trường tiểu học B Văn Điển cho biết: "Nhà trường bắt chúng tôi viết đơn tự nguyện mà cứ như là bắt buộc. Mọi năm, nhà nào có thể đón con được 4h30 thì đón, ai không thể đón được sớm thì mới nộp thêm tiền trông trẻ. Nhưng năm nay, nhà trường bắt buộc tất cả học sinh phải ở lại đến 5h chiều và nộp thêm 100.000 đồng/tháng. Phụ huynh có được nghỉ sớm, cũng phải đợi đến 5h chiều mới có thể đón con về".

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Mai Anh - Hiệu trưởng trường tiểu học B Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội cho biết: "Trường sẽ kiểm tra các thông tin mà bạn đọc, phụ huynh cung cấp trên báo, tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm ở trường là không có...".

Khi phóng viên cho biết là phụ huynh đã có chụp ảnh và ghi hình các lớp học thêm gửi cho phóng viên thì cô Mai Anh cho hay: "Nhà trường hoàn toàn không biết việc giáo viên tổ chức các lớp học thêm tại nhà, hay các cô giáo thuê các lớp tại nhà dân gần trường để dạy học. Tuy nhiên, Ban giám hiệu sẽ kiểm tra và đánh giá ý thức của một số cô giáo chủ nhiệm ấy...".

Tiếp đó, khi trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thanh Hương - Hiệu trưởng trường mầm non Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội cho biết: "Đúng là trường tôi lấy thực phẩm từ công ty Đa thực phẩm Trung Thoa, nhà cung cấp này đưa thức ăn vào trường Quỳnh Đô từ nhiều năm nay nên chúng tôi cũng tin tưởng vào chất lượng thực phẩm. Nếu có thông tin về thức ăn không đạt chất lượng, chúng tôi sẽ kiểm tra. Thông thường, thực phẩm vào trường khi giao nhận gồm có 4 thành phần như Ban giám hiệu, hiệu phó, kế toán, và nhân viên nấu ăn. Hiệu trưởng là người trực tiếp chịu trách nhiệm về bữa ăn của học sinh trong trường nên chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại và sẽ siết chặt hơn, quản lý tốt hơn những bữa ăn này".

Khi chúng tôi hỏi về việc lớp học "sống chung" với nhà ăn, chất lượng bữa ăn tại một số trường ở huyện Thanh Trì không đảm bảo, và một số khoản thu bị cho là “nhập nhèm” ở một số trường như tiểu học B thị trấn Văn Điển, mầm non xã Vĩnh Quỳnh, mầm non xã Vạn Phúc... thì bà Nguyễn Thị Tuyết Lê - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì, Hà Nội gay gắt: "Ai nói là thức ăn không đảm bảo, thức ăn về các trường đều là "Ok" hết!? Còn các khoản thu thì do phụ huynh tự nguyện chứ chúng tôi cũng không bắt nộp. Đầu năm chúng tôi đã đi kiểm tra các trường và thấy không có vấn đề gì".

Nhưng khi chúng tôi đưa ra câu hỏi về việc trường tiểu học Văn Điển B dùng nhà ăn làm lớp học và để ngay cạnh bếp thì bà Lê không trả lời câu hỏi, chỉ nói các trường tiểu học và mầm non đã thu đúng theo yêu cầu của phòng Giáo dục. Còn tiền ti vi và điều hòa mà các trường như mầm non Văn Điển A, B. Vĩnh Quỳnh... thu là do phụ huynh tự nguyện nộp. Hiện tại các trường trong toàn huyện Thanh Trì không có chuyện dạy thêm, học thêm. Nhưng nếu có sai phạm thì phòng giáo dục sẽ điều tra và làm rõ mọi chuyện".

Liên quan các "lớp học chạy" tại trường tiểu học Tân Mai, sau khi báo phản ánh, nhiều phụ huynh vẫn bức xúc cho biết con em họ vẫn phải liên tục thay đổi lớp học trong các buổi vì trường quá đông lớp. Cô giáo và hiệu trưởng nhà trường thì luôn khẳng định các con sẽ chỉ phải "học chạy" năm nay. Sang năm sẽ không còn tình trạng đó nữa.

Về khoản thu "5 năm một lần" tại trường tiểu học Quang Trung, bà Phạm Thị Lâm Phương, Hiệu trưởng trường tiểu học Quang Trung (Sơn Tây, Hà Nội) cho hay: "Việc thu tiền cơ sở vật chất ăn bán trú 5 năm một lần, trường thực hiện theo đúng văn bản số 51 của UBND TP. Hà Nội về thu, sử dụng các khoản thu khác trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố. Do cơ sở vật chất chưa đầy đủ theo văn bản số 51, trường được phép thu liền 5 năm đối với các cháu ăn bán trú trong 5 năm có thỏa thuận với cha mẹ học sinh.

Về khoản thu 25.000 đồng/học sinh/tháng trông giữ ngoài giờ thì trường mới thông báo cho phụ huynh. Nếu nhiều phụ huynh đăng ký thì trường mới làm còn ít thì trường không thực hiện. Tuy nhiên, đến tháng 10, vì quá ít phụ huynh đăng ký nên chúng tôi quyết định không thực hiện chủ trương này nữa".
(Theo nguoiduatin.vn)

About Unknown

Đơn giản chỉ là chia sẻ - Theo đuổi đam mê - Thành công sẽ đuổi theo bạn
«
Bài đăng mới hơn
Bài đăng Mới hơn
»
Bài đăng cũ hơn
Bài đăng Cũ hơn

Top